toa-an

Bình luật về tình thế cấp thiết theo Bộ luật hình sự

Tình thế cấp thiết là một tình tiết loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mặc dù về dấu hiệu bên ngoài, nó cũng giống hành vi phạm tội. Hành động trong tình thế cấp thiết có gây ra thiệt hại cho xã hội (thường thiệt hại về tài sản). Hầu hết pháp luật các nước trên thế giới không coi hành động trong tình thế cấp thiết là phạm tội, bởi vì đó là phương thức bảo vệ lợi ích của nhà nước, của xã hội, bảo vệ con người và các quyền của con người khỏi một thiệt hại đang có nguy cơ đe dọa.

Theo khoản 1 Điều 23 Bộ luật hình sự, tình thế cấp thiết là tình thế của một người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là phạm tội.

Để được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết và không phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ những điều kiện sau:

1/ Phải có sự nguy hiểm đang đe dọa gây thiệt hại ngay tức khắc

Nếu trong phòng vệ chính đáng, nguồn gốc của sự nguy hiểm chỉ là sự tấn công của con người thì trong tình thế cấp thiết, sự nguy hiểm đang đe dọa gây ra thiệt hại có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như: các hiện tượng thiên nhiên (do bão lụt, động đất…), cũng có thể phát sinh trong quá trình lao động sản xuất (sử dụng máy móc, điều khiển các phương tiện giao thông vận tải), do sự tấn công của súc vật trong một hoàn cảnh đặc biệt, buộc phải gây thiệt hại để bảo vệ một lợi ích lớn hơn.

Sự nguy hiểm đang đe dọa gây ra thiệt hại phải là sự nguy hiểm đe dọa ngay tức khắc thì mới được coi là trong trường hợp tình thế cấp thiết, nếu sự nguy hiểm đó chưa xảy ra hoặc đã kết thúc thì không coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết.

Chẳng hạn như: Một thuyền trưởng đang chỉ huy một con tàu vận tải hàng hóa trên biển, mới nhận tin sắp có bão đã vội ra lệnh cho các thủy thủ ném bớt hàng hóa xuống biển để đề phòng bão biển thì không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết.

2/ Sự nguy hiểm đang đe dọa phải là sự nguy hiểm thực tế

Sự nguy hiểm tuy mới đe dọa ngay tức khắc đến các lợi ích cần bảo vệ, nhưng phải là sự nguy hiểm thực tế, nếu không có biện pháp đề phòng thì nó sẽ gây thiệt hại ngay tức khắc, tức là mối quan hệ nhân quả giữa sự nguy hiểm với các lợi ích cần bảo vệ là quan hệ tất yếu, nếu không có biện pháp thì hậu quả tất yếu sẽ xảy ra.

Nếu sự nguy hiểm đó không chứa đựng khả năng thực tế gây ra hậu quả mà chỉ do người gây thiệt hại tưởng tượng ra thì không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết.

3/ Việc gây thiệt hại để tránh một thiệt hại khác là sự lựa chọn duy nhất

Điều kiện này đòi hỏi người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải tính toán thật chính xác và nhanh chóng về khả năng đe dọa ngay tức khắc của sự nguy hiểm, nếu không chọn phương pháp gây thiệt hại thì tất yếu không thể tránh được thiệt hại lớn hơn.

Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống việc đánh giá lựa chọn để gây thiệt hại nhỏ hơn của con người không phải bao giờ cũng dễ dàng.

Thông thường, khi có tình thế cấp thiết xảy ra thì không phải ai cũng đủ bình tĩnh để suy xét lựa chọn giải pháp gây thiệt hại tối ưu, mà thường gây thiệt hại rồi viện cớ trốn tránh trách nhiệm. Vì vậy, đánh giá hành vi gây thiệt hại có phải là tình thế cấp thiết hay không, phải căn cứ vào tình hình cụ thể lúc xảy ra sự việc và đánh giá khách quan toàn diện. Nếu còn biện pháp khác để khắc phục sự nguy hiểm và việc gây thiệt hại là không cần thiết thì không thuộc tình thế cấp thiết.

4/ Thiệt hại gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại muốn tránh

Để đánh giá so sánh giữa 02 loại thiệt hại (nhỏ và lớn) cũng cần xem xét khách quan, toàn diện. Bởi thiệt hại gây ra là có thật còn thiệt hại muốn tránh là cái trừu tượng, vô hình, không thể cân đo đong điếm, nó chỉ là những cái có thể xảy ra hoặc tất yếu sẽ xảy ra.

Khi đánh giá giữa cái có thật và cái chưa xảy ra thì bao giờ cũng khắt khe nhưng không quá khắc khe. Nếu gây thiệt hại rõ ràng là quá đáng thì mới bị coi là vượt quá yêu cầu tình thế cấp thiết (khoản 2 Điều 23 BLHS).

Pháp luật không quy định sẵn các tình huống cụ thể trong tình thế cấp thiết nên khi nào có sự nguy hiểm đe dọa đến các lợi ích cần bảo vệ và một người đứng trước tình thế đó, với trách nhiệm của mình lại có 02 nghĩa vụ cần phải thực hiện một lúc mà chỉ thực hiện 01 nghĩa vụ, đòi hỏi phải lựa chọn biện pháp sao cho phù hợp với lợi ích xã hội, để bảo vệ một lợi ích khác lớn hơn.

Hành động trong tình thế cấp thiết không chỉ là quyền mà là nghĩa vụ của mọi người. Tuy nhiên, nếu gây thiệt hại vượt quá yêu cầu tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự. Bộ luật hình sự không quy định vượt quá yêu cầu tình thế cấp thiết là tình tiết định khung hoặc định tội, mà chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *