tin-tuc

Bài bào chữa của Luật sư Nguyễn Định Tường cho bị cáo Đỗ Thị Hồng Nhung trong đại án ngân hàng của Hứa Thị Phấn và đồng phạm – 2018

Kính thưa: Hội Đồng Xét Xử! Thưa 03 vị đại diện VKS! Thưa luật sư đồng nghiệp!

Tôi là Luật sư Nguyễn Định Tường – Giám đốc Công ty Luật Tường & Cộng Sự, thuộc Đoàn luật sư Tp.Hồ Chí Minh là người bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Hồng Nhung bị truy tố, xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 BLHS 1999.

Thưa HĐXX, căn cứ tài liệu, chứng cứ, lời khai của bị cáo có trong hồ sơ vụ án, qua quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa và phần luận tội của Viện kiểm sát, tôi có một số quan điểm bào chữa bị cáo Đỗ Thị Hồng Nhung như sau:

Tôi nhận thấy, bị cáo Nhung trong suốt quá trình điều tra, truy tố luôn khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để góp phần làm sáng tỏ sự thật của vụ án và qua nhiều ngày xét xử, thì bản thân bị cáo Nhung luôn nhìn nhận các khuyết điểm, sai phạm của mình để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Tôi thành thật cảm ơn 03 vị đại diện Viện kiểm sát đã thấu hiểu được nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo và nhân thân gia đình bị cáo nên đã ghi nhận trong phần luận tội và đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đỗ Thị Hồng Nhung mức án 03 năm tù, cho hưởng án treo.

Trên cơ sở đó, tôi sẽ trình bày, phân tích những tình tiết có ý nghĩa quan trọng, để chứng minh tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội mà bị cáo Nhung gây ra là hạn chế, có vai trò rất mờ nhạt, nhân thân bị cáo và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, để mong HĐXX xem xét, đánh giá, cân nhắc, đặc biệt chiếu cố giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo Nhung được hưởng án treo; cụ thể:

1. Về tính chất, mức độ sai phạm của bị cáo Nhung

Thời điểm làm việc tại Chi nhánh Sài Gòn, lãnh đạo chi nhánh phân chia mỗi người phụ trách 01 mảng công việc, bao gồm: Kế toán phụ trách tiền vay, tiền gửi, chi tiêu nội bộ, thanh toán. Trong đó, bị cáo Nhung được phân công phụ trách, chịu trách nhiệm chính trong mảng chi tiêu nội bộ của NH Đại Tín chi nhánh Sài Gòn.

Tuy nhiên, do công việc quá tải, nên bị cáo Nhung được lãnh đạo chi nhánh, lãnh đạo phòng kế toán yêu cầu phụ giúp thêm các kế toán giao dịch tiền gửi trong việc lập các phiếu thu lãi của khách hàng. Quá trình thực hiện công việc, thì bị cáo Nhung chỉ làm theo hướng dẫn lãnh đạo chi nhánh, sử dụng User máy tính của các kế toán giao dịch để lập phiếu tính lãi và chuyển cho bộ phận kiểm soát giao dịch.

Liên quan đến các phiếu thu của nhóm khách hàng Phú Mỹ, bị cáo Nhung thừa nhận đã có sai phạm trong việc lập phiếu thu khi khách hàng chưa có mặt, chưa có chữ ký khách hàng trên phiếu thu. Tuy nhiên, việc chưa có chữ ký khách hàng là do chỉ đạo của lãnh đạo chi nhánh, phòng kế toán, áp dụng với những khách hàng lớn thuộc nhóm Phú Mỹ, Phương Trang thường xuyên phát sinh giao dịch tại Ngân hàng.

Hơn nữa, bị cáo chỉ lập giúp các kế toán và trước đó các kế toán phụ trách khoản vay này đã làm như vậy thành tiền lệ, nên bị cáo Nhung chỉ làm y theo. Điều này đã được bị cáo Nhung và các bị cáo thuộc phòng kế toán Chi nhánh Sài Gòn xác nhận tại các biên bản hỏi cung, lấy lời khai của bị cáo Nhung, BL: 053424, 053427, lời khai bị cáo Văn Bùi Hồng Thi, BL: 053331, 053341, bị cáo Lê Thị Tuyết Oanh, BL: 053285, 053286.

Đồng thời, thời điểm thực hiện thì bị cáo không thể nhận thức được có sai phạm xảy ra, bởi các chứng từ do bị cáo lập còn có kiểm soát viên kiểm tra, bộ phận ngân quỹ thực hiện việc thu tiền và lãnh đạo chi nhánh ký duyệt.

Riêng đối với việc không có tiền mặt trong các giao dịch: Do bị cáo Nhung không có chức năng, nhiệm vụ trong việc thu chi tiền mặt thực tế, mà chỉ lập phiếu và ghi nhận phiếu trên hệ thống Smartbank, nên không có điều kiện để phát hiện, nhận biết những vấn đề bất thường trong giao dịch của nhóm khách hàng này. Trong khi đó, bị cáo thấy rằng các phiếu thu do mình lập ra đều được kiểm duyệt chặt chẽ bởi những người có chuyên môn nghiệp vụ như Vũ Thị Như Thảo, Huỳnh Thị Băng Tâm, thì bị cáo càng tin tưởng rằng việc mình làm không có gì sai phạm. Chỉ đến khi hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ sự việc, thì bị cáo mới nhận thức được sai phạm và ý thức được hành vi mình làm là trái quy định pháp luật (BL: 053435, 053448, 053458).

Cho nên, xét về tính chất, mức độ sai phạm của bị cáo Nhung có phần hạn chế hơn so với các bị cáo khác trong vụ án này, do bị cáo không trực tiếp quản lý hồ sơ vay của nhóm Phương Trang, Phú Mỹ, không biết việc hạch toán cấn trừ giữa các nhóm Phương Trang, Phú Mỹ, nên tại thời điểm phụ giúp các bạn kế toán giao dịch lập các chứng từ thu, ký tên trên phiếu thu đã không hiểu được bản chất sự việc và không thể phát hiện được sai phạm, nên dẫn đến phạm tội.

2. Về thiệt hại liên quan đến vụ án

Trong vụ án này, bị cáo Nhung chỉ là người lao động làm công ăn lương, không hưởng lợi gì và cũng không phải bà con thân thích gì liên quan đến bị cáo Phấn, nhưng vì theo yêu cầu của lãnh đạo chi nhánh, phòng kế toán, nên bị cáo đã phụ giúp các bạn trong phòng kế toán lập phiếu thu trên hệ thống Smartbank, ký tên vào phiếu thu, nên dẫn đến phạm tội.

Đồng thời, quá trình điều tra đã xác định được bị cáo Hứa Thị Phấn dùng thủ đoạn tinh vi, dùng sức ép buộc các lãnh đạo của Ngân hàng Đại Tín phải chỉ đạo nhân viên cấp dưới thực hiện hành vi trái pháp luật, để bị cáo Phấn được hưởng lợi.

Do đó, cần thiết phải buộc bị cáo Phấn và các đối tượng có liên quan đến bị cáo Phấn có phải trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả trong vụ án này.

3. Về các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Nhung

Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thì bị cáo Nhung đã nhận thức được sai phạm của mình, nên thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ án, thuộc trường hợp được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điểm s, Điểm t Khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

Bị cáo Nhung là người có nhân thân tốt, chưa từng có tiền án, tiền sự, hành vi sai phạm xảy ra là lần đầu, với tính chất, mức độ hạn chế. Bản thân bị cáo không vụ lợi, không có bất cứ động cơ hay mục đích gì để thực hiện hành vi phạm tội.

Bên cạnh đó, gia đình bị cáo cũng có đóng góp, cống hiến nhất định cho nhà nước và xã hội, đã được nhà nước ghi nhận công lao. Cụ thể:

– Cha chồng bị cáo Nhung là ông Kiều Duy Hiển có tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và được nhà nước trao tặng Huân chương khách chiến hàng Nhất theo quyết định số 68/CT-KT ngày 25/4/1987 của Hội đồng Bộ trưởng;

– Mẹ chồng bị cáo là Lê Thúy Hoàn được trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ Hạng Nhì theo quyết định số 105/KT/CTN ngày 05/4/1985.

– Bản thân gia đình bị cáo rất đơn chiếc, phải nuôi con 02 nhỏ, nên rất cần có sự chiếu cố đặc biệt của Hội đồng xét xử.

Điều này đã được Viện kiểm sát cảm thông, thấu hiểu, nên đã ghi nhận trong nội dung luận tội và đề xuất với HĐXX cho bị cáo Đỗ Thị Hồng Nhung được hưởng mức án treo.

Kính thưa HĐXX, với vai trò, mức độ, nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội và những tình tiết đặc biệt về nhân thân, hoàn cảnh gia đình của bị cáo Đỗ Thị Hồng Nhung, tôi kính mong HĐXX dựa trên tính nhân đạo, nhân văn của pháp luật để xem xét, chiếu cố đặc biệt, khi lượng hình cần áp dụng Khoản 2 Điều 54, Điều 65 BLHS 2015 cho bị cáo Đỗ Thị Hồng Nhung được hưởng án treo cũng đủ tác dụng cải tạo, giáo dục đối với bị cáo, tạo điều kiện cho bị cáo có điều kiện để được chăm sóc, nuôi dưỡng 02 con nhỏ và làm lại cuộc đời.

Rất mong HĐXX xem xét, cứu xét cho bị cáo.

Tôi xin chân thành cảm ơn./

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25/5/2018

Luật sư Nguyễn Định Tường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *