Khi không thể cứu vãn được tình trạng hôn nhân đang ngày một đi xuống, ly hôn là điều tất yếu sẽ xảy ra. Ý định ly hôn có thể đến từ một trong hai người (ly hôn đơn phương) hoặc từ cả hai phía (ly hôn đồng thuận). Hãy cùng Công ty Luật Tường & Cộng Sự đi tìm hiểu kỹ càng các thủ tục ly hôn này nhé!
Trình tự thủ tục ly hôn đồng thuận
Ly hôn đồng thuận là gì?
Ly hôn đồng thuận (hay còn gọi là ly hôn thuận tình) là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của 2 vợ chồng và được diễn ra khi cả 2 đã đạt được những thỏa thuận nhất định về quyền lợi, trách nhiệm, phân chia tài sản. Hoặc cả 2 đã đồng ý về việc ly hôn và tách phân chia tài sản thành một vụ án riêng biệt.
Ly hôn đồng thuận là khi cả 2 vợ chồng đạt được thỏa thuận.
Điều kiện để tiến hành ly hôn đồng thuận
Theo Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 được Quốc hội ban hành có quy định về điều kiện được chấp nhận ly hôn đồng thuận:
- Hai vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn.
- Hai bên tự nguyện ly hôn.
- Hai vợ chồng đã thỏa thuận và đồng ý về phân chia tài sản, nuôi dưỡng con cái dựa trên quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Thủ tục ly hôn đồng thuận
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ ly hôn thuận tình
Để thực hiện thủ tục ly hôn, 2 vợ chồng cần chuẩn bị một bộ hồ sơ ly hôn bao gồm:
- Đơn yêu cầu ly hôn thuận tình theo mẫu có chữ ký của cả 2 vợ chồng.
- Giấy chứng nhận Đăng ký kết hôn (bản chính).
- Bản sao công chứng CMND của 2 vợ chồng.
- Bản sao công chứng giấy khai sinh của con (nếu có).
- Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao công chứng).
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, cả 2 có thể tiến hành nộp và thực hiện thủ tục ly hôn đồng thuận.
Bước 2. Nộp lệ phí, Tòa án tiếp nhận thụ lý
Trong vòng 3 ngày khi nhận đơn, Tòa án sẽ tiến hành phân phó Thẩm án giải quyết.
Nếu xét thấy hồ sơ hợp lệ, Thẩm phán sẽ ra quyết định nộp lệ phí. Trong vòng 5 ngày từ ngày ra quyết định, đương sự phải hoàn thành mọi thủ tục.
Vì là ly hôn đồng thuận nên cả 2 vợ chồng có thể thỏa thuận chọn Tòa án nơi vợ/ chồng cư trú để thụ lý.
Bước 3. Mở phiên xét xử và hòa giải
Trong vòng 1 tháng kể từ ngày thụ lý, Tòa án tiến hành xét đơn và tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ.
Bước 4. Tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng
Dựa trên kết quả hòa giải, Tòa án sẽ đưa ra kết quả cuối cùng :
- Nếu vợ, chồng đồng ý hòa giải thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn.
- Nếu hòa giải thành thành thì Thẩm phán sẽ công nhận ly hôn thuận tình khi có các điều kiện thỏa mãn đã nói ở trên.
Quan hệ hôn nhân của đôi bên sẽ chấm dứt kể từ ngày quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật.
➤ Tìm hiểu thêm: Luật sư Hôn nhân Gia đình.
Ly hôn thuận tình có thể ủy quyền không?
Theo Điều 397 Bộ luật TTDS, trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu ly hôn, Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ. Vì vậy, đối với trường hợp thuận tình ly hôn bắt buộc phải có mặt cả 2 đương sự để tiến hành hòa giải và thỏa thuận các tranh chấp nếu xảy ra.
Ngoài ra, theo khoản 4, điều 85 Bộ luật TTDS: “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện”
Căn cứ vào những điều nêu trên, dù là ly hôn thuận tình thì vợ/ chồng không thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng. Chỉ có thể ủy quyền trong việc nộp đơn ly hôn, nộp án phí,…
Trình tự ly hôn đơn phương
Ly hôn đơn phương là gì?
Ly hôn đơn phương là ly hôn chỉ với yêu cầu của một bên, khi vợ hoặc chồng có yêu cầu muốn chấm dứt hôn nhân. Ly hôn đơn phương cần có căn cứ chứng minh tình trạng hôn nhân đang đi xuống hoặc rơi vào tình trạng trầm trọng.
Nếu không thể cứu vãn hôn nhân, bạn có thể đệ đơn ly hôn đơn phương.
Căn cứ để ly hôn đơn phương
Ly hôn đơn phương không đơn giản và nhanh chóng như việc ly hôn có sự đồng thuận từ 2 phía. Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định:
“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
- Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
- Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Dựa theo quy điều luật 56 trên, trường hợp yêu cầu đơn phương ly hôn từ một phía được xem là đủ căn cứ đệ đơn khi:
- Một bên chứng minh được đối phương có các hành vi bạo lực, vi phạm quyền và nghĩa vụ vợ chồng trong hôn nhân.
- Một trong hai người được Tòa án tuyên bố mất tích và người còn lại yêu cầu ly hôn.
Có thể ly hôn khi chồng/ vợ không đồng ý hoặc vắng mặt không?
Khi yêu cầu đơn phương ly hôn sẽ thường vấp phải sự phản đối từ phía đối phương, tình huống thường xảy ra là đối phương sẽ không có mặt tại tòa để thực hiện thủ tục dù đã nhận giấy mời từ tòa. Những lý do được sử dụng cho việc vắng mặt tại tòa án, gây khó khăn cho quá trình xử lý ly hôn thường là:
- Một bên không muốn tham gia phiên hòa giải và phiên tòa giải quyết việc ly hôn.
- Vợ hoặc chồng đã bỏ đi khỏi nơi cư trú (chuyển sang vùng khác sống hoặc đi nước ngoài).
- Vợ hoặc chồng đã mất tích không thể liên lạc được.
- Một trong 2 người với lý do bệnh tật, lý do cá nhân,… không thể tham gia giải quyết ly hôn.
Ly hôn vắng mặt đơn phương chỉ được thực hiện khi có đủ điều kiện
Đối với những trường hợp ly hôn vắng mặt như trên có thể ly hôn thành công hay không?
Theo điều 228 trong Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS), khi một trong 2 đương sự vắng mặt, Tòa án vẫn có thể giải quyết ly hôn đơn phương nếu:
- Người đệ đơn ly hôn và vợ/ chồng người đó có gửi đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
- Vợ/ chồng vắng mặt nhưng có người đại diện tham gia xét xử.
- Lý do vắng mặt là bất khả kháng và mang tính khách quan.
Khi đạt được một trong những điều kiện nêu trên thì Tòa vẫn tiến hành mở phiên xét xử ly hôn đơn phương. Chú ý rằng trong trường hợp đã mở phiên tòa nhưng một trong 2 đương sự vắng mặt:
- Đối với nguyên đơn (người yêu cầu ly hôn): Sau 2 lần triệu tập mà nguyên đơn vẫn vắng mặt thì Tòa sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án với yêu cầu xin ly hôn đơn phương.
- Đối với bị đơn (vợ/chồng của nguyên đơn): Nếu vắng mặt 1 lần thì phiên tòa sẽ hoãn nhưng vắng mặt lần 2 thì Tòa sẽ tiến hành xét xử vắng mặt.
Thủ tục ly hôn đơn phương nhanh nhất
Nếu bạn đã có đủ các căn cứ để ly hôn theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình thì có thể tiến hành làm đơn yêu cầu ly hôn để gửi lên Tòa án. Dù là ly hôn đơn phương nhưng các đương sự vẫn phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ giống như ly hôn đồng thuận.
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ ly hôn đơn phương gồm:
- Đơn xin ly hôn theo mẫu có chữ ký của nguyên đơn.
- Giấy Đăng ký kết hôn (bản chính).
- Chứng minh nhân dân của cả 2 đương sự (bản sao công chứng).
- Giấy khai sinh của con chung (bản sao công chứng).
- Hộ khẩu gia đình (bản sao công chứng).
- Giấy tờ liên quan (nếu có) chứng minh quyền sở hữu tài sản chung (bản sao công chứng).
Bước 2. Tiến hành nộp hồ sơ
Theo điểm a, khoản 1, Điều 39 Bộ luật TTDS có quy định “1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”
Theo điều luật nêu trên, nguyên đơn có thể nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương cho Tòa án nơi bị đơn cư trú làm việc. Vợ/chồng có thể nộp đơn tại TAND cấp huyện nơi chồng/vợ mình làm việc. Trong trường hợp nguyên đơn không biết được địa chỉ cư trú của bị đơn thì có thể tham khảo điều luật 40 Bộ luật TTDS, theo đó, chúng ta có cách giải quyết như sau:
- Nếu nguyên đơn không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì có thể yêu cầu Tòa án nơi chồng/vợ cư trú cuối cùng hoặc có phát sinh tài sản giải quyết.
- Nếu bị đơn có nơi cư trú không phải Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú làm việc giải quyết.
- Nếu bị đơn cư trú tại nhiều nơi, làm việc nhiều trụ sở thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án của một trong những nơi bị đơn cư trú, làm việc,…
Nguyên đơn có thể nộp đơn trực tiếp tại Tòa án hoặc thông qua đường bưu điện. Ly hôn vắng mặt gần như không thể thực hiện hòa giải.
Bước 3. Tòa án tiếp nhận, xem xét và tiến hành giải quyết
Sau khi tiếp nhận yêu cầu giải quyết ly hôn, Tòa án sẽ xem xét hồ sơ để tiến hành thụ lý vụ án. Nếu từ chối giải quyết, Tòa án sẽ ra thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 4. Tòa án ban hành bản án ly hôn
Sau quá trình xem xét, nếu xét thấy đủ điều kiện để giải quyết ly hôn thì Tòa án sẽ ra bản án chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng.
Kết lại
Trên đây là phần tư vấn cặn kẽ của Công ty Luật Tường & Cộng Sự về thủ tục ly hôn. Cảm ơn sự tin tưởng của bạn khi lựa chọn Công ty của chúng tôi. Nếu có nhu cầu giải quyết thủ tục pháp lý hoặc những vướng mắc chưa hiểu rõ, bạn có thể liên hệ ngay qua hotline 0901.345.506 để được tư vấn chuyên nghiệp và uy tín nhất!